Ngày đăng : 10/01/2013

Nhà văn Chinh Ba: Tiếc vì lời thề ngừng viết


Tập truyện ngắn Bài thơ trên xương cụt của nhà văn Chinh Ba được nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2011, đúng một năm sau thì tái bản với lời tựa của nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn – trong đó có đoạn: “Một chủ nghĩa lạc quan dễ dãi? Một ước mơ “có hậu” cổ truyền? Thưa còn tuỳ, nếu rơi vào tay một kẻ “trung nhân dĩ hạ”, cái đức lý không thể thiếu trong văn chương sẽ làm người đọc khó chịu. Còn trong trường hợp ngược lại, nó trở nên “bát ngát” như chính cuộc đời, như dòng chảy mềm mại mà đanh thép của lẽ nhân sinh...” Đoạn trên gần như khái quát toàn bộ tư tưởng của một nhà văn từng bị chế độ Việt Nam Cộng hoà bắt vì tội viết văn thân cộng, chống chính quyền.

 

Sau hơn 40 năm định cư ở Pháp, vì lý do sức khoẻ và cũng vì nỗi nhớ quê hương, hiện nay ông chia thời gian để được sống ở quê nhà nửa năm, thời gian còn lại ông về Pháp sống cùng con gái.

 

Trong tập sách mới xuất bản vừa rồi, có bài viết nhà văn Trang Thế Hy gửi ông với câu “Mi muốn đi đâu thì đi nhưng nhớ mang quê hương theo”. Trong quê hương mà ông mang theo, chắc những ký ức chiến tranh là nhiều hơn cả?

 

Toàn bộ tuổi thơ, tuổi trẻ của tôi là những ngày chiến tranh. Khoảng năm 1948, tôi học trung học ở Tam Kỳ. Học trò lúc đầu học ban ngày, sau phải học ban đêm vì ban ngày máy bay chiến đấu cứ thấy chỗ nào có sự sống, ngay cả con trâu con bò đang đi nó cũng nhào xuống bắn.

 

Gọi là trường trung học nhưng chỉ có một mái nhỏ đủ một lớp bốn năm chục trò sống rải rác trong làng tụ lại. Học trò đi học, mỗi đứa phải tự đào cho mình một cái hầm, có máy bay là nhảy xuống. Lần đó tôi với một đứa bạn đi học, đang đi thì bị một đợt đại bác nã. Hai đứa cầm tay nhau chạy thật xa mong thoát chết, qua một vùng trũng, tự nhiên thấy bạn buông tay mình, tôi quay trở lại thì thấy nó nằm sấp trên mặt nước, đầu đầy máu, óc vung vãi. Đó là lần đầu tôi chứng kiến cái chết. Một lần khác tôi đi qua vùng bị chiếm, trên đường đi thấy một anh đang ở tư thế ngồi bị trúng đạn có lỗ thủng ở ngực xuyên qua lưng, vậy mà anh ấy vẫn sống, đau đớn, ngơ ngác nhìn chung quanh, nhưng lúc đó chẳng ai cứu anh được vì ai cũng lo chạy.

 

Rồi có lần gặp một người ăn xin, khi nhìn lên, thấy hàm dưới không có, hàm trên dính với cổ họng, chảy nhớt dãi. Từ đó, những hình ảnh chết chóc, người bị biến dạng ám ảnh tôi cho đến khi lớn lên. Ngay cả bây giờ, nhớ lại vẫn cảm thấy những vết thương chiến tranh còn chảy máu chảy mủ, nghe tiếng rên la. Tôi luôn nghĩ điều cần thiết nhất của con người là làm sao để không có chiến tranh. Dù ở trong một chế độ nào, đời sống chính trị như thế nào, làm sao để được sống an bình, đừng có chiến tranh. Lý tưởng không cần phải bắt nguồn từ những bài học của các triết gia xa xôi quá. Cái cần thiết nhất là phải có hoà bình. Tất cả những truyện tôi viết đều nhắm cái hướng đó.

 

Tuổi thơ sống trong chiến tranh, với bom đạn, ông còn có những ký ức nào về con người sống với nhau không chỉ có hận thù?

 

Ba tôi tên Phan Điển, khi ông đi thi, chữ Điển phạm huý nên phải đổi là Phan Trọng. Ba tôi được chọn đi ba năm ở miền Nam. Khi Nhật sắp đảo chính Pháp, lúc đó ba tôi biết tin tức trước mới đưa gia đình về quê, ông về sau. Sở dĩ ba tôi biết trước là nhờ một anh lính Nhật. Nhà tôi nằm trên một quả đồi, quân Nhật đóng phía sau. Có một anh lính Nhật hay đi ngang qua nhà, thấy con nít ngồi chơi trước cửa, anh sáp lại chào hỏi tiếng Nhật, bọn tôi chẳng hiểu gì cả, chỉ thấy ảnh là lính mà hiền nên cũng nói chuyện một tràng. Rồi thấy anh lính ứa nước mắt, tôi về kể cho ba tôi nghe. Sau đó ba tôi hỏi thăm mới biết anh có vợ con ở Nhật, mỗi khi nhìn chúng tôi, anh nhớ con mình. Có khi anh ôm hai ba đứa chúng tôi vào lòng, kể chuyện say sưa. Sau này chính anh báo tin cho ba tôi, nhờ đó mà cả nhà tôi thoát chết vì bom đạn tương tàn trong cuộc Nhật đảo chính.

 

Hồi đó, dường có một quy ước ngầm, cứ đến tết người ta ngưng chiến mấy ngày để dân chúng ăn tết. Nhờ đó mà tôi đã sang Pháp sau khi ra tù của chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Tôi được đưa ra khỏi Sài Gòn bằng xe môtô đi Rạch Giá. Qua bữa sau tôi ra biên giới, qua bên kia là Campuchia. Mấy ngày đó những người lính cả hai bên đều không mang súng. Có khi họ chỉ cách nhau mười mấy thước, nhưng ngó lơ hoặc có nhìn nhau cười cười rồi thôi.

 

Ông khởi nghiệp văn như thế nào, có phải cũng bắt đầu từ những ám ảnh, day dứt khôn nguôi về thân phận con người trong chiến tranh?

 

Năm ba tôi 45 tuổi, ông bị đau bao tử nặng, tôi đưa ba tôi về ở gần sông Thu Bồn. Đưa ba tới bờ sông, dù thấy ông đau nặng nhưng nhớ em, nhớ má quá nên tôi ráng về thăm má, thăm em một chút rồi trở qua. Nhưng cũng hôm đó giặc về đánh làng tôi. Ở lại thì tối đó sẽ bị đại bác nên tôi phải bỏ đi, khi về đến nơi thì ba tôi đau nặng, rồi mất. Sau đó cả nhà tôi vào Sài Gòn, lúc đó tôi đã 18 tuổi. Tôi đi học tiếp và bắt đầu viết. Lúc đầu tôi viết báo tường, một trong những truyện ngắn đầu tiên tôi viết là Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng.

 

Tôi viết văn với mong muốn làm sao Việt Nam thống nhất càng nhanh càng tốt và có một chính phủ như những nước khác, dân chủ, tự do.

 

Những truyện ngắn phản chiến của ông ở miền Nam đã khiến chính quyền khó chịu và sau đó ông bị tù ba năm vì viết truyện chống chính quyền...

 

Tôi ở tù vì viết những truyện chống chiến tranh và họ cho là tôi đứng về phía những người chống lại cuộc chiến, họ ghép tội đi theo cộng sản. Trong ba năm ở tù, tôi viết được truyện nào là gửi ra ngoài ngay, nếu không nó xét bắt được thì còn tù nặng hơn. Có truyện mới chỉ là bộ xương, như vở kịch Pho tượng Linh Mai, sau này tôi viết thành một câu chuyện khác, vì bị cắt bỏ nhiều quá.

 

Nhưng thời đó người kiểm duyệt phần lớn cũng có học nên họ nới tay, tôi nghĩ vậy. Vì có những cái đáng kiểm duyệt họ bỏ lơ, như truyện ngắn Bài thơ trên xương cụt, họ nói trong này không có một chữ nào, hay câu nào có thể bỏ được, nhưng mà họ biết, rất biết ông này muốn nói cái gì.

 

Khi ra tù, tôi bị cấm đi khỏi Sài Gòn, nhưng may mắn xin được thẻ ký giả, nhờ cái thẻ đó tôi đi được khắp nơi trước khi rời quê hương. Và tôi cũng chuẩn bị cho chuyến đi xa xôi miên viễn của mình. Tôi vào rừng khắc chữ “vĩnh biệt” lên cây vì không biết ngày nào trở về.

 

Sau khi ra tù, cứ nửa tháng tôi đến trung tâm thẩm vấn của công an trình diện. Có một bữa sáng tôi đi ra khỏi nhà, có người đi theo, tôi ngồi xuống uống càphê, ổng cũng tới ngồi bên rồi nói: “Xin lỗi ông, tôi được phép phải đi theo ông”. Tôi chẳng nói gì. Biết tôi khó chịu nên một hôm anh đó nói: “Khi nào ông đi đâu, gặp ai, ông nói cho tôi biết trước một tiếng để tôi viết báo cáo, tôi khỏi đi theo ông nữa, tôi cũng mệt”. Sau đó tôi cũng báo cáo đầy đủ nhưng tránh nói tên người tôi gặp vì sợ họ bị làm phiền. Có lần cả tháng trời tôi không đến trình diện, bữa sau tôi đến mang theo một xách nhỏ, trong đó có bàn chải đánh răng, bộ quần áo. Tôi nói: “Bữa nay tôi xin cho ở tù lại, vì tôi quên không trình diện cả tháng nay!”

 

“Tôi gửi vào cuộc đời niềm tin yêu màu hồng. Tôi nghĩ cái buồn đôi khi cũng cần thiết cho con người như chút phèn chua cần thiết cho một ly nước đục. Bởi vậy, thà mùa thu không có gió, chứ đêm khuya đừng vắng tiếng côn trùng. Những tâm hồn thao thức biết lấy gì mà thở, nếu không có tiếng dế nỉ non, tiếng vạc kêu sương, tiếng từ quy khắc khoải, tiếng khóc của trẻ con, tiếng ru của bà mẹ bên hàng xóm...” (trích Bài thơ trên xương cụt)

Những truyện ông viết ở miền Nam, qua Pháp ông đã gửi đến báo nước ngoài, như truyện Mồ sống đăng báo Ba Lan...

 

Ở Pháp, tôi lặng lẽ viết, nhưng viết chuyện này chuyện kia kiếm sống chứ không viết văn và cũng không tham gia hội đoàn nào, tôi sống lặng lẽ. Còn truyện Mồ sống là do tôi đi sinh hoạt Công giáo, các xơ tình cờ đọc truyện của tôi rồi tự dịch và gửi cho một tờ báo ở Ba Lan, sau được một tờ báo Anh chọn dịch và đăng ở Anh rồi Mỹ. Sau đó, họ gửi thư cho tôi và báo là sẽ tuần hành, biểu tình để phản đối chiến tranh Việt Nam, họ cũng muốn Việt Nam có hoà bình càng sớm càng tốt, và đặc biệt ở Mỹ có rất nhiều nghệ sĩ đứng về phía Việt Nam. Qua mấy xứ đó, thời điểm đó tôi càng tin Việt Nam sẽ chấm dứt chiến tranh với sự giúp đỡ gần như của toàn cầu.

 

Tôi nghĩ một nhà văn thật sự không cần tư thế chính trị nào. Tất nhiên không đồng nghĩa với vô chính phủ, sống là cần tôn trọng pháp luật. Tôi có một lỗi rất lớn trong cuộc đời, lỗi với chính tôi, đó là năm chấm dứt cuộc chiến tranh, tôi tự thấy mình chẳng làm được điều gì...

 

Đó có phải lý do đến giờ ông mới xuất bản tập truyện ngắn đầu tay khi về nước?

 

Khi về lại Việt Nam, em trai tôi – Chinh Văn nói: “Có nhiều người hỏi anh sao không viết?”, tôi lắc đầu. Lần sau về, em lại nói: “Anh Hai, bên Mỹ họ đề nghị tìm lại các tác phẩm của anh để in”, tôi cũng lắc đầu: “Thôi, bỏ đi”. Mãi về sau do bạn bè khắp nơi đề nghị nhiều, tập truyện ngắn Bài thơ trên xương cụt của NXB Trẻ in năm 2011 là tập văn đầu tiên của tôi trở lại sau hơn 30 năm. Đời tôi thì dài mà viết chẳng bao nhiêu. Năm 1966, trước khi tôi đi, NXB Lá Bối in tập Ảo tưởng, sau đó tái bản năm 1971.

 

Vì sao bây giờ ông không về luôn quê nhà?

 

Hiện vợ con tôi đều ở Pháp, mỗi lần về quê hương, tôi gặp lại anh chị em và cảm thấy được gần ba má tôi. Còn chủ yếu tôi qua Pháp để khám bệnh, bên đó họ chịu hết thuốc men, nằm viện, đỡ tốn tiền. Đứa con gái duy nhất chưa lập gia đình, nên tôi cũng muốn được gần bên con.

 

Ở Pháp bây giờ cũng như nước mình, nhiều giá trị thay đổi lắm. Năm tôi sang, 1967, có ông hàng xóm hay nói chuyện gia cảnh. Ông kể nỗi khổ của ông là thấy con gái mình giao thiệp với nhiều con trai mà không chịu cưới hỏi gì, thiệt xấu hổ, hồi đó họ cũng “truyền thống” như vậy. Nhưng sau chiến tranh thế giới thứ hai, quan niệm của thế hệ hậu chiến đã hoàn toàn khác. Họ không gắn bó với nhau vì ước hẹn gì nữa, họ chỉ gắn bó với nhau nếu thực sự thấy có thể chia sẻ được. Hết thì thôi.

 

Mẹ ông ảnh hưởng đến cuộc đời viết văn của ông như thế nào?

 

Ảnh hưởng suốt cuộc đời tôi. Tất cả những gì tôi viết, những câu thơ trong truyện Bài thơ trên xương cụt, tôi thuộc là nhờ má tôi. Hồi nhỏ, má tôi rất thích đi coi kịch, cải lương, hát bội. Má đi là dẫn tôi đi theo để có người nghe má nói, giờ ta gọi là “chia sẻ”. Má thích đọc báo và đọc tất cả báo chí miền Nam thời đó. Có những bài thơ bà thuộc nằm lòng.

 

Ba tôi thì kín đáo, ít nói hơn, nhưng ông một mình dịch Kiều cho người Pháp xem. Thuở đó ngay cả lính Pháp, hay cả sĩ quan Pháp đều mê Truyện Kiều của Việt Nam. Ông còn làm cho người ta lưu ý bởi chữ viết rất đẹp, cổ kính. Cuốn sách ông dịch trình bày rất đẹp, tựa viết theo lối chữ gôtích không thua gì sách cổ của Pháp. Ba tôi vốn là người sống nội tâm, không thích hội hè đông đúc, và tôi có phần ảnh hưởng tính cách đó của ông.

 

Nhà văn Chinh Ba tên thật Phan Tân Nhựt, sinh năm 1934 ở Quảng Nam, cùng chi phái với Phan Khôi. Ông là một cây bút của Sài Gòn những năm 50 thế kỷ trước. Chinh Ba viết không nhiều, chỉ chừng 60 truyện ngắn, hầu hết được đăng trước năm 1967 trên các báo. Ngoài truyện ngắn, Chinh Ba còn viết báo (từng là chủ biên tờ Mã Thượng) với chủ đề chính là phản đối chiến tranh. Chính vì những bài báo bộc lộ thái độ phê phán ấy mà ông bị chính quyền bắt giam ba năm (1963 – 1966) tại khám Chí Hoà. Sau khi được thả, Chinh Ba sang Campuchia, rồi qua Pháp năm 1967, ông từng học đại học Sorbonne, sinh sống tại Paris, sau đó định cư ở Montpellier.

 

Thực hiện: Ngân Hà

Chân dung hội họa: Hoàng Tường

Nguồn: SGTT