Ngày đăng : 12/03/2014

Chuyện nghề của Thủy


Nếu bạn yêu loại hình nghệ thuật điện ảnh, thể loại phim tài liệu thì không thể bỏ qua “Chuyện nghề của Thủy”. Chỉ vì một lý do là đồng tác giả của nó – đạo diễn Trần Văn Thủy “được xem là người làm phim tài liệu chính luận giỏi nhất nước ta” – nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét về ông. Nếu bạn không quan tâm đến nghệ thuật, nhưng muốn tìm đến một tác phẩm sạch, theo nghĩa là SỰ THẬT, thì lại càng không thể bỏ qua quyển sách này.

“Chuyện nghề của Thủy” là một tác phẩm lạ, vì không biết phải xếp vào thể loại gì? Văn học không phải vì không mỹ miều câu chữ; tiểu thuyết lại càng không vì không hề hư cấu; hồi ký cũng không hẳn vì theo tác giả chỉ là kể chuyện đời cho vui. Tôi tạm gọi “Chuyện nghề của Thủy” là thể loại “Sách cuộc đời”. Nghe lạ tai nhưng hoàn toàn đúng, vì tác giả chỉ kể lại sự thật do chính cuộc đời ông mang đến.


Bìa cuốn sách "Chuyện nghề của Thủy" - Ảnh: Cổ Điển

Đọc “Chuyện nghề của Thủy” trước hết để biết thêm những câu chuyện bên lề, đằng sau của các thước phim nổi tiếng của đạo diễn Trần Văn Thủy, một thời chấn động trong và ngoài nước, đạt được rất nhiều giải thưởng quốc tế, như “Những người dân quê tôi”, “Phản bội”, “Tiếng vỹ cầm ở Mỹ Lai”; tiêu biểu hơn hết là hai bộ phim “Hà Nội trong mắt ai?”“Chuyện tử tế”. Tôi đoán Trần Văn Thủy là người kín tiếng, tế nhị đến mức mà đồng tác giả Lê Thanh Dũng phải nói với Thu Hương (con gái bố Thủy) là nếu cháu chưa đọc quyển sách này thì cũng chưa hiểu hết về cuộc đời làm nghề của ông. Đúng vậy, những câu chuyện ấy nếu ông không chuyển nó thành sách là một sự lãng phí khủng khiếp của gia tài hơn 40 năm nghề. Đó cũng chính là cái công lớn nhất của Lê Thanh Dũng – công “lôi” Trần Văn Thủy vào cuộc để viết ra những tâm sự kín đáo này. Nói thế thôi chứ cái công ấy to lớn lắm, như chính lời Trần Văn Thủy: “Nói cho cùng nếu không có Lê Thanh Dũng thì không có quyển sách này”.

“Chuyện nghề của Thủy” không phải quyển sách kể lể chuyện làm phim với ống kính ra sao? Cảnh quay thế nào? Nhân vật là ai? Mà quyển sách chính là cuộc đời thật của ông với biết bao thăng trầm trong duyên nghề phim tài liệu – thể loại mà Trần Văn Thủy say mê, đã không biết bao lần suýt chết vì nó. Ông chọn thể loại này như tính cách của ông vậy, bởi đây là thứ phim không được phép thêu dệt, phóng tác, hư cấu theo ý riêng của tác giả. Chỉ đơn giản là kể, kể và kể sự thật. Phim tài liệu đã kén, Trần Văn Thủy còn chọn một ngách nhỏ rất tế nhị, dễ đụng chạm và khó vô cùng, đó là đề tài liên quan đến thân phận con người, nỗi đau của con người. Thật lòng mà nói, phải đọc đến lần thứ hai tôi mới hiểu được phần nào quyển sách, bởi tôi không sống cùng thời với ông. Có quá nhiều thứ tôi không trải qua giống ông. Nhưng, đó chính là cái hay của quyển sách. Nó bắt tôi phải đọc nhiều lần, tìm xem thêm phim của ông; càng đọc càng xem lại càng thấm. Bởi đề tài thân phận con người cứ khiến tôi phải dằn vặt, không thỏa mãn, đọc lại, ngộ ra điều gì đấy, lại ray rứt…

Tôi cứ thắc mắc, đạo diễn Trần Văn Thủy được mời đến chia sẻ ở rất nhiều trường đại học hàng đầu thế giới, nhiều nhất là ở Mỹ; thế vậy mà cái tên Trần Văn Thủy vẫn còn khá “xa lạ” với giới trẻ Việt Nam, kể cả tôi. Cho đến khi được dịp xem Chuyện Tử Tế, tôi mới biết đến quyển sách này. Nhưng một khi đã xem, đã đọc thì muốn xem hoài, đọc hoài vẫn không chán. Bởi ngày nay, để tìm một tác phẩm dám nói thật, dám kể thật là điều không dễ chút nào.

Tuy nhiên, đọc “Chuyện nghề của Thủy” không chỉ dừng lại ở chuyện của ông, mà có lẽ ông mượn chuyện để gửi đến đọc giả một thông điệp không mới nhưng chưa bao giờ cũ, đó là hãy sống làm người tử tế, trung thực. Nói dễ, nhưng làm thì khó lắm, nhất là trong một xã hội đang đảo lộn các giá trị, không khó để chỉ ra tham nhũng, bất công, dối trá,… Sống làm sao để được xem là tử tế là một thách thức lớn. Nhưng tôi tin là được, bởi Trần Văn Thủy đã nói trong bộ phim Chuyện Tử Tế thế này: “Từ rất xa xưa, cha bác có dạy rằng: Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của Quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bực và chỉ hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn”.

Cuối cùng, hãy tìm đọc “Chuyện nghề của Thủy” vì nó vừa đạt giải thưởng Sách Hay 2013 – một giải thưởng độc lập, cao quý để vinh danh các tác phẩm có giá trị. Đó là lý do cuối cùng, và là lý do bổ sung để tôi giới thiệu đến bạn, bởi tôi không muốn bạn tìm mua một quyển sách chỉ vì giải thưởng của nó.

Nhóm viết bài: Minh Quân, Tuyết Trinh, Trí Thể
Chương trình phát triển Hạt Giống Lãnh Đạo Doanh Nghiệp IPL – khóa 3
Nguồn: VuDucTriThe.com