Ngày đăng : 19/10/2015

Những ghi chép về quyền Tự do lựa chọn


Thế hệ chúng tôi đã chứng kiến những biến cố lịch sử lớn lao của thế kỷ XX, tôi cũng có rất nhiều trải nghiệm cá nhân liên quan đến những biến cố ấy, mặc dù chúng không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống riêng của tôi. Tôi thuộc loại người hướng nội, luôn băn khoăn với những câu hỏi nhân sinh gây bối rối cho tâm trí của mình. Trong khi đó, thời đại tôi sống lại đầy những biến cố lịch sử gây choáng váng cho bất kỳ người bình thường nào. Ở trường trung học, tôi được dạy về Cách mạng tháng mười Nga năm 1917 như một sự kiện lịch sử vĩ đại mở đầu một thời đại mới cho nhân loại. Rồi khi đến học tập ở nước Nga, tôi lại được biết về những tội ác kinh khủng của Stalin và nhiều nhà cách mạng tên tuổi khác. Tôi đã đọc các hồi ký ghi lại việc truy bức tàn nhẫn các nhà sinh vật học theo thuyết di truyền dưới thời Lysenko; một nhà sinh vật học Việt Nam năm 1976 đã kể với tôi rằng chính thầy hướng dẫn của anh đã là một nạn nhân như thế. Tôi đã đọc biết bao lời ca ngợi về cuộc Vạn lý trường chinh oai hùng của cách mạng Trung Quốc. Rồi năm 1966 khi đi qua Bắc Kinh, tôi đã được chứng kiến tận mắt những cảnh tượng bạo lực ghê tởm của đám Hồng vệ binh trong cách mạng văn hóa. Ngay trong sinh hoạt của những sinh viên Việt Nam ở Liên Xô, tôi cũng đã phải chứng kiến biết bao trường hợp xâm phạm thô bạo vào tự do cá nhân. Cách đây mấy năm, có lần trong một cuộc trò chuyện với một số người quen biết đã trải qua thời kỳ đó, tôi có hỏi rằng liệu có ai trong chúng ta dám thành thực kể lại những trường hợp ấy cho con cái mình hay không? Tôi đã không nhận được câu trả lời nào. Có vẻ như chúng ta đều trung thành với truyền thống “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”.

Những trải nghiệm như thế không gây nhiều bối rối cho tôi trong ứng xử xã hội, tức là không gây bối rối cho tôi về mặt kỹ năng sống, nếu nói theo thuật ngữ hiện nay đang được ưa chuộng. Nhưng chúng luôn ám ảnh tôi, thúc bách tôi tìm lời giải đáp siêu hình học cho vấn đề Tự do của con người. Tôi may mắn đã được đọc những tuyệt tác về chủ đề này của một số các tác giả danh tiếng, đó là Immanuel Kant, John Stuart Mill, Alexander Herzen, Nikolai Berdyaev, Semyon Lyudvigovich Frank, Georgy Petrovich Fedotov, Erich Fromm, Isaiah Berlin, Richard Feynman... Tôi đã dịch vài tác phẩm của các vị đó. Nay tuổi đã cao, ngoái nhìn lại những trải nghiệm đã qua của mình, bỗng có ước muốn trình bày lại những gì tôi thu nhận được từ những tác giả nêu trên cũng như từ biết bao tác giả khác mà tôi đã đọc trong suốt cuộc đời về chủ đề Tự do. Lẽ dĩ nhiên tôi không bao giờ tự xem mình là người có thẩm quyền chuyên môn trong lĩnh vực triết học xã hội: Tôi không có một tri thức hệ thống nào trong lĩnh vực này, tôi chỉ đọc tương đối kỹ một vài tác giả mà mình yêu thích. Những thu nhận này của tôi không phải là những tri thức hàn lâm, mà đều liên quan đến những trải nghiệm nhất định của tôi trong cuộc sống. Nếu cần phải bày tỏ vắn tắt thái độ của tôi đối với vấn đề Tự do, tôi xin dẫn ra đây câu nói bất hủ của Chateaubriand mà tôi hết sức chia sẻ: “Ngày nay thái độ hợp thời thượng là đón nhận tự do bằng nụ cười cay độc, xem nó như thứ đồ cũ bị bỏ xó. Tôi không theo thời thượng chút nào, tôi cho rằng không có tự do thì thế giới này cũng chẳng có gì hết; tự do đem lại giá trị cho cuộc sống; nếu phải làm người cuối cùng bảo vệ tự do, thì tôi cũng vẫn không ngừng tôn vinh những quyền của nó” (Ký ức ở thế giới bên kia).

Theo hiểu biết của tôi thì tri thức về tự do nói riêng và tri thức triết học nói chung là thuộc loại tri thức nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của con người, đặc biệt là nhu cầu tự nhận thức bản thân mình như truyền thống triết học Hy Lạp đã xác lập. Erich Fromm (1900-1980) cho rằng “hiểu biết” (understanding) là một phẩm tính đặc thù của riêng con người khôn ngoan (homo sapiens); trong khi đó trí tuệ tài khéo (manipulative intelligence), như một công cụ nhằm đạt được những mục đích thực dụng, là phẩm tính chung mà con người có chung với các thú vật. Trí tuệ tài khéo không đặt vấn đề tra vấn những tiền đề mà nó dựa vào để xác định những mục đích của hành động. Thú vật hành động với trí tuệ tài khéo nhằm những mục đích do bản năng quy định. Isaiah Berlin (1909-1997) quan niệm vai trò của triết gia đạo đức học là soi sáng vấn đề để hỗ trợ cho công chúng có những phán đoán của riêng họ, chứ không phải hướng dẫn họ phải sống thế nào. Như vậy, đối với Berlin, tri thức triết học không phải là trí tuệ tài khéo nhằm đạt được những mục đích thực dụng cụ thể nào đó, mà là hiểu biết để giúp con người đưa ra những phán đoán và lựa chọn cho riêng mình.

Tự do là một từ ngữ khá mơ hồ và tăm tối, vì thế mà người ta đã gán cho từ ngữ ấy vô số ý nghĩa khác nhau. Berlin đã nhận xét: “Ép buộc một con người là tước đoạt mất tự do của anh ta – tự do với cái gì kia? Hầu như mỗi nhà đạo đức trong lịch sử nhân loại đều đã ca ngợi tự do. Giống như hạnh phúc và điều thiện, giống như tự nhiên và hiện thực, đây là một từ ngữ mà ý nghĩa của nó thật co dãn như miếng xốp có nhiều lỗ trống khiến cho hình như ít có diễn giải nào có thể trụ lại được” (Hai khái niệm về tự do)[1].

Trong tác phẩm Bàn về tự do (1859), một tác phẩm cho đến nay vẫn được coi là một kiệt tác về chủ đề này, John Stuart Mill (1806-1873) đã đưa ra nội dung cho khái niệm tự do như sau: Sự can thiệp vào quyền tự do hành động của bất cứ thành viên nào trong một cộng đồng văn minh chỉ được xem là chính đáng, khi nó nhằm mục tiêu ngăn chặn tổn hại cho người khác. Mỗi cá nhân không thể bị cưỡng ép phải làm hay phải nhẫn nhịn điều gì với lý do sự cưỡng ép ấy sẽ làm cho anh ta hạnh phúc hơn. Mill khẳng định: “Chỉ có cái phần cư xử của một ai đó liên can đến những người khác mới phải vâng theo xã hội. Trong phần cư xử giới hạn liên can đến bản thân anh ta, sự độc lập của anh ta như một quyền hạn là tuyệt đối. Con người cá nhân là chúa tể đối với chính bản thân anh ta, đối với thân thể và tâm hồn của riêng anh ta[2].

Berlin đã nhận xét rằng giả thiết về sự cần thiết phải bảo hộ cho quyền tự do hành động của mỗi cá nhân chống lại những người khác và chống lại chính quyền, là một thứ gì đó chưa bao giờ được chấp nhận trọn vẹn ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Luận cứ phản bác lại, mà ông gọi là quan điểm Hy Lạp cổ đại, đại để như sau: Tự do lựa chọn kiểu cách cuộc sống có thể áp dụng cho bất kể ai hay không? Nếu cá nhân đó dốt nát, chưa trưởng thành, không được giáo dục, què quặt về tinh thần, không có cơ hội đầy đủ về sức khỏe và phát triển, anh ta sẽ không biết lựa chọn ra sao. Nếu có những người hiểu được bản chất con người là gì và nó khao khát cái gì, nếu những người ấy, có thể là bằng biện pháp kiểm soát nào đó, làm cho những người khác cái điều mà những người kia hẳn là cũng làm cho bản thân họ, nếu họ khôn ngoan hơn, được hiểu biết tốt hơn, trưởng thành hơn, được phát triển hơn, trong trường hợp ấy liệu có phải những người ấy làm giảm bớt quyền tự do của những người kia hay không? Nếu cha mẹ hay các thầy giáo ép buộc đứa trẻ không chịu đi học hay không chịu làm việc nỗ lực, nhân danh cái điều mà những đứa trẻ ấy thực ra ắt phải muốn, ngay cả dẫu chúng có thể không biết điều đó đi nữa, vì đó là cái mà mọi người, như bản chất là thế, ắt phải muốn, bởi vì họ là giống người, vậy những người ấy có làm giảm bớt quyền tự do của những đứa trẻ hay không? Chắc là không rồi. Các thầy giáo và các bậc cha mẹ làm nảy nở cái bản ngã còn bị lặn chìm hay là cái bản ngã thực sự của chúng, và thỏa mãn nhu cầu của những bản ngã ấy như là chống lại những đòi hỏi nhất thời của cái bản ngã bề ngoài nông cạn hơn, sự trưởng thành nhiều hơn sẽ từ bỏ cái bản ngã đó giống như lột da.

Những người theo quan điểm tự do không phủ nhận rằng hành vi chống lại xã hội phải bị kiềm chế, hay là có trường hợp cần ngăn chặn người ta không làm tổn hại bản thân mình hoặc làm tổn hại phúc lợi của con cái mình hay của những người khác, nhưng phủ nhận rằng kiềm chế như vậy lại là tự do, dù cho nó được biện minh. Quyền tự do có thể buộc phải bị giảm bớt để có được những điều tốt đẹp khác, sự an toàn hay hòa bình hay sức khỏe; hoặc giả quyền tự do hôm nay có thể bị buộc phải giảm bớt để cho quyền tự do rộng rãi hơn của mai sau trở thành khả dĩ; nhưng giảm bớt tự do thì không phải là cung cấp tự do, và ép buộc, dù được biện minh hay ho thế nào đi nữa, vẫn là ép buộc chứ không phải tự do. Những người này bảo rằng quyền tự do chỉ là một giá trị trong nhiều giá trị, và nếu nó là vật cản cho việc đảm bảo những mục tiêu khác quan trọng ngang bằng, hay ngăn cản cơ hội của những người khác tiếp cận với những mục tiêu ấy, thì nó phải nhượng bộ.

Những người phản đối tự do cho rằng việc phân chia đời sống thành riêng tư và công cộng với giả định một không gian tự do trong cuộc sống riêng tư cần được bảo hộ, là một quan niệm sai trái về xã hội. Các nhà cách mạng hướng tới xây dựng một xã hội khai mở, đánh đổ mọi bức tường ngăn cách con người với nhau, khiến cho người ta sống cùng nhau không có phân chia, sao cho điều mà một người muốn cũng là điều mà mọi người muốn. Khao khát được để riêng một mình là triệu chứng tâm lý bất bình thường. Đòi tự do tách khỏi xã hội là đòi tự do tách khỏi chính mình. Đây cũng là quan điểm của Plato đối với các công dân của thành bang. Điều này phải được chữa trị bằng cách thay đổi tính chất các quan hệ xã hội, như các người theo chủ nghĩa xã hội khát khao làm, hay bằng cách loại bỏ lý trí phê phán như một số giáo phái tôn giáo và các chế độ phát xít theo đuổi thực hiện.

Những người theo quan điểm tự do không chấp nhận những luận cứ nêu trên. Họ cho rằng các quyền con người, và ý tưởng về phạm vi riêng tư trong đó tôi được tự do tách khỏi sự soi mói, là điều không thể thiếu được cho tính độc lập tối thiểu mà mỗi người đều cần có, nếu mỗi người muốn phát triển theo con đường của riêng mình; vì rằng sự đa dạng là bản chất của loài người chứ không phải là điều kiện nhất thời. Những người ủng hộ cho quan điểm này cho rằng việc phá hủy những quyền như vậy nhằm xây dựng một xã hội con người tự định hướng mang tính hoàn vũ – một xã hội mọi người đều nhịp bước tiến đến những mục tiêu duy lý chung – sẽ phá hủy cái khu vực cho lựa chọn cá nhân, dù khu vực ấy nhỏ bé, nhưng không có nó thì cuộc sống có vẻ như không đáng sống. (Những điều trình bày trên đây là lược thuật lại một số ý kiến của Berlin).

Trong nền văn minh Khổng giáo ở châu Á cũng không có khái niệm tự do cá nhân, không có ý niệm con người cá nhân mà chỉ có con người phận vị. Nhân cách độc lập của con người không được thừa nhận như một giá trị chung, do đó cũng không thể có ý niệm về ranh giới cho sự can thiệp của xã hội vào cuộc sống cá nhân. Trong quá khứ lịch sử nước ta, chính quyền trung ương của nhà nước phong kiến thường không can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng của người dân; công việc đó là của các vị chức sắc trong làng xã. Các thiết chế làng xã kiểm soát chặt chẽ cuộc sống cá nhân của các thành viên, kết quả là đã sản sinh ra mô hình nhân cách “con người “tiểu kỷ”, cam chịu thân phận hèn mọn, bị động, nhờ ân huệ, vun quén, xà xẻo, khôn khéo lẩn tránh...” (Trần Đình Hượu, 1988). Các thiết chế ấy không cho phép một cá tính độc đáo nào tồn tại.

Người Việt Nam bắt đầu biết tới các giá trị Tự do, Bình đẳng, Bác ái, chủ yếu thông qua giao tiếp với nước Pháp. Song có lẽ chúng ta tiếp thu các giá trị ấy phần nhiều là ở bình diện cảm xúc nảy sinh từ các tác phẩm văn chương của phương Tây thế kỷ XIX mà không thông qua các nhận thức trên cơ sở tri thức triết học. Cho nên phần đông dân chúng không có được hiểu biết rõ ràng về các khái niệm này. Trên thực tế, khái niệm tự do được hiểu với ý nghĩa tích cực chỉ trong hàm nghĩa lật đổ ách thống trị của vua chúa phong kiến và bọn cai trị thực dân; còn trong đời sống thì từ ngữ tự do thường mang hàm nghĩa xấu giống như vô kỷ luật, vô tổ chức. Người ta có thể nhận mình là yêu tự do, nhưng lại không thừa nhận không gian riêng tư của cá nhân và sẵn sàng nhân danh điều thiện để can thiệp thô bạo vào những vấn đề thuộc tự do cá nhân.

Xã hội Việt Nam đương đại đang tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, đang giao lưu với nhiều nền văn hóa đa dạng của các dân tộc khác. Người Việt đương đại ở trong tình trạng giằng xé giữa những giá trị văn hóa cũ và mới. Những cách hiểu khác nhau, những đánh giá khác nhau về vấn đề Tự do là không đáng ngạc nhiên.

Nguyễn Văn Trọng 

(Trích Lời dẫn, Những ghi chép về quyền tự do lựa chọn, Nguyễn Văn Trọng, DT Books & Nxb Khoa Học Xã Hội, 7/2015)

 


[1] I. Berlin, Liberty, Oxford University Press, 2002, p. 168-217.

[2] J.S. Mill, Bàn về tự do, Nguyễn Văn Trọng dịch, NXB Tri thức, in lần thứ ba, 2009, tr. 36.