Ngày đăng : 10/11/2015

Hình tượng Bố cái Đại vương vào tiểu thuyết lịch sử


Nhà văn Phùng Văn Khai kết hợp chính sử và dã sử trong tác phẩm mới nói về người anh hùng Phùng Hưng.

Tên sách: Phùng Vương
Tác giả: Phùng Văn Khai
Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành tháng 10/2015

Tiểu thuyết lịch sử không chỉ đem lại cho người đọc một cái nhìn toàn diện, bao quát về các sự kiện đã diễn ra, nó còn rút ngắn khoảng cách giữa các danh nhân lịch sử với hậu thế.

Trong lịch sử, Phùng Hưng là một nhân vật nửa huyền thoại nửa sự thực. Tuy tư liệu ít, Phùng Văn Khai đã viết một tác phẩm đầy đặn, khơi dậy lòng yêu nước, không khí hào hùng của dân tộc. Đọc Phùng Vương, người đọc hiểu thêm nhiều bình diện về lịch sử lúc bấy giờ, cả lịch sử dân tộc lẫn lịch sử nhà Đường. Đặc biệt tác giả đã tái hiện sự hiểm trở của núi rừng, thiên nhiên trong từng trận đánh.

Với độ dày hơn 600 trang, Phùng Vương khắc họa cuộc đời và sự nghiệp của Bố cái Đại vương Phùng Hưng và cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đường, dành quyền tự chủ ở cuối thế kỷ thứ VII. Đây là thời kỳ chế độ phong kiến nhà Đường đã bắt đầu suy vong, rệu rã. Sự kiện quân lính ở thành Tống Bình nổi dậy chính là cơ hội vàng để Phùng Hưng dấy binh khởi nghĩa.

Lần đầu tiên sau hơn nghìn năm Bắc thuộc, chúng ta giành quyền tự chủ. Phùng Hưng được khắc họa dưới góc độ một tướng lĩnh, một nhà cầm quân có tài thao lược. Ông là con người giàu lòng nhân nghĩa, lấy dân làm gốc, coi việc yên dân là mục tiêu hàng đầu. Tư tưởng nhân nghĩa trở thành một mạch nguồn xuyên suốt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Tiểu thuyết được viết theo cấu trúc chương hồi. Với nền văn học trong nước, nhắc tới tiểu thuyết chương hồi là người ta nghĩ đến Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái. Sử dụng một thể loại cũ, nhưng tác giả có những cách tân thể loại để phù hợp với độc giả đương đại.

Bên cạnh sự đối ứng chặt chẽ cùng lối kể có lớp lang, có trật tự của tiểu thuyết chương hồi truyền thống, Phùng Văn Khai thể hiện quan điểm, đánh giá, luận giải bản chất của vấn đề sau mỗi sự kiện. Lối kể chuyện của tác giả đơn giản, dễ nắm bắt, không hề đánh đố độc giả cũng không quá lệ thuộc vào chính sử. Tác giả chỉ sử dụng chính sử như một bệ phóng để từ đó phát huy sự sáng tạo.

Tác giả tiểu thuyết là một người con của họ Phùng, gốc ở làng Đường Lâm. Tác phẩm Phùng Vương được nhà văn "thai nghén" trong suốt mười năm từ khâu lên ý tưởng, tìm kiếm tài liệu cho đến sáng tác. Tác giả tâm sự, hiện nay anh sáng tác cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ hai về Ngô Quyền.

Quỳnh Anh
Nguồn: VnExpress