Ngày đăng : 25/07/2013

Tháng 7 - Sách hay nên đọc (tuần 1)


Nghe mùi kết thúc, Julian Barnes, Nghiêm Quỳnh Trang dịch, Nhã Nam & Nxb Văn học, 2013, 252 trang, 68.000 VND

Tony đã già, Tony cảm nhận rõ đoạn kết cuộc đời mình. Một cuộc đời dường như ổn thỏa, tuy có thất vọng, có ly dị và nhiều mất mát - như mọi cuộc đời. Thế nhưng Tony sẽ rất bất ổn ở chính cái đoạn kết này.

Julian Barnes, nhà văn danh tiếng của nước Anh, đã vô cùng lạnh lùng và tỉ mỉ - nhưng chỉ cần sử dụng rất ít trang giấy - miêu tả cái nhà tù mà con người bị giam hãm bên trong, như một điều không thể khác; nhà tù ấy ác nghiệt vì là tổng thể của hiện tại, tương lai và quá khứ. Những mảnh vụn li ti của quá vãng, cộng dồn thêm bao nhiêu thời gian và sự nham hiểm của số phận, khi đuổi kịp Tony đã mang sức nặng khủng khiếp, sức nặng của kết cục.

Văn chương bậc thầy thường xuyên có một sắc thái quỷ quyệt, điều này thể hiện trong cuốn tiểu thuyết này dưới dạng một lời nhắn nhủ vô thanh của tác giả: Đừng quá tự tin, vì cuộc đời này vốn dĩ rất nhiều bất ổn.

BCG bàn về chiến lược, Nhiều tác giả, Trần Thị Ngân Tuyến dịch, DT Books & Nxb Thời đại, 2013, 552 trang, 200.000 VND

BCG bàn về chiến lược là một tập hợp những ý tưởng xuất sắc nhất trong vòng 40 năm qua của Boston Consulting Group – một hãng tư vấn chiến lược danh tiếng số một thế giới. Nó theo dấu sự tiến hóa tư duy của BCG về chiến lược và ghi nhận đóng góp quan trọng của BCG trong lĩnh vực này.

Tác phẩm đề cập đến những vấn đề kinh điển như sự phân khúc thị trường, thước đo hiệu suất, việc dùng nguồn lực, và thiết kế cơ cấu tổ chức, đồng thời bao gồm những phần bổ sung mới từ George Stalk trên các chiến lược “phá vỡ thỏa hiệp”, Michael Silverstein về “hàng cao cấp mới” và Philip Evans về chiến lược tổ chức và sự kết nối. Đây là cuốn sách dành cho các nhà quản lý muốn hiểu thế giới thực sự vận hành ra sao và dùng nó để thấu hiểu sự thay đổi của các công ty và các thị trường mà họ đang cạnh tranh trong đó.

Dẫn dắt công cuộc thay đổi bằng cách khác, David M. Herold & Donald B. Fedor, Bùi Thanh Châu & Nguyễn Minh Quang dịch, ĐH Hoa Sen, Phương Nam Book & Nxb Hồng Đức, 2013, 248 trang, 69.000 VND

Hai giáo sư đầu ngành về chuyên môn quản trị học và tâm lý học hành vi tổ chức của Mỹ cùng bàn về giải pháp tạo ra sự thay đổi phạm vi tổ chức trong bối cảnh kinh doanh ngày nay.

Việc nhận diện mô hình để đi đến phương pháp thay đổi tổ chức sao cho khả dụng, phù hợp và hiệu quả là điều cuốn sách này mang đến cho người đọc, những nhà lãnh đạo và chiến lược gia cầu tiến.

Xã hội dân sự, Vũ Duy Phú (chủ biên) - Đặng Ngọc Dinh - Trần Chí Đức & Nguyễn Vi Khải, Nxb Tri thức, 2013 (tái bản), 364 trang, 88.000 VND

Xã hội dân sự (XHDS) là một đề tài vừa cổ điển, lại vừa rất thời sự. Nó cổ điển bởi vì ngay từ thời Cổ Hy Lạp, người ta đã bàn tới khái niệm này. Sang thế kỷ XVI, XHDS chính thức xuất hiện và trở nên phổ biến từ thế kỷ XVIII, khi các nhà triết học kinh điển lại đem ra phân tích sôi nổi một lần nữa. Tính thời sự của XHDS là rõ ràng với sự trở lại của vấn đề này từ giữa thế kỷ XX, khi cách mạng khoa học và công nghệ trên thế giới bắt đầu bùng nổ và xuất hiện dần nền kinh tế tri thức.

Không phải ngẫu nhiên XHDS được quan tâm trở lại. Cho đến hiện nay, ở tầm rộng và khái quát nhất, mỗi xã hội hiện đại đều được coi là cấu thành bởi ba trụ cột chính, đó là nhà nước, thị trườngXHDS. Về đại thể, nhà nước và thị trường đã phát triển ngày càng đầy đủ và toàn diện, và cũng đã được nghiên cứu khá sâu sắc thấu đáo. Riêng phần XHDS, cái chân thứ ba khá quan trọng trong cái kiềng kết cấu của một xã hội hiện đại, cho đến nay vẫn còn những khía cạnh dường như chưa được hình thành thật đầy đủ và rõ nét, sự phong phú và tính đa dạng của nó vẫn chưa được tìm hiểu một cách cặn kẽ, nhất là đối với những nước đang chuyển đổi như nước ta.

Sách Hay tổng hợp