Ngày đăng : 20/06/2013

Tháng 3 - Sách hay nên đọc (tuần 1)


Gatsby vĩ đại, Francis Scott Fitzgerald, Hoàng Cường dịch, Nxb Lao động & TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 02/2013

Trong nền văn học Mỹ, Francis Scott Fitzgerald (1896 - 1940) là một tên tuổi chói lọi mà nghệ thuật và tài năng lại không được mấy ai cùng thời thấu hiểu và đánh giá đầy đủ. Cùng với Hemingway, ông là thành viên tiêu biểu nhất của “thế hệ lạc lõng", thế hệ các nhà văn viết về lớp thanh niên Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất bị mất phương hướng trong cuộc sống, coi "mọi thánh thần đã chết cả, mọi cuộc chiến trận đã diễn ra xong, mọi niềm tin ở con người đã tan vỡ”. Fitzgerald là người chép sử của một thời đại mà chính ông đã đem lại cho nó cái tên “Thời đại Jazz” , ông mang trong mình những ước vọng và cả những mâu thuẫn của tâm hồn người Mỹ, và qua kiệt tác Gatsby vĩ đại (1925) đã phơi bày một cách ngậm ngùi, đau xót sự hư trá của Giấc mơ Mỹ, những mộng tưởng ở nước Mỹ, bởi cả cuộc đời ông cũng là một chuỗi mộng tưởng, là chạy theo mộng tưởng để rồi trở thành nạn nhân của chính căn bệnh thời đại mà ông đã đưa vào các trang sách.

Gatsby vĩ đại đã vẽ ra một trong những bức tranh cô đọng nhất, sâu sắc nhất và giàu biểu tượng nhất về xã hội Mỹ với đủ các mặt tàn nhẫn, giả dối, bịp bợm và ích kỷ của nó và được chọn là một trong "10 tác phẩm lớn nhất của mọi thời đại” theo cuộc khảo sát ý kiến của 125 nhà văn nổi tiếng đương đại do tạp chí Time tổ chức năm 2007.

Chuyện nghề của Thủy, Lê Thanh Dũng & Trần Văn Thủy, Nxb Hội Nhà văn & Phương Nam Book, 05/2013

Qua tập sách này, chúng ta được trở về từ những năm tháng tuổi trẻ và những ngày làm phim của tác giả Hà Nội trong mắt ai với nhiều chi tiết chân thực. Tháng 11/1970, tại LHP Quốc tế Leipzig, bộ phim đầu tay Những người dân quê của Trần Văn Thủy quay ở chiến trường Quảng Đà đoạt giải Bồ Câu Bạc. Năm 1980, bộ phim Phản bội giành giải vàng LHP Việt Nam, rồi Hà Nội trong mắt ai cũng giành vòng nguyệt quế năm 1988. Có lẽ, tác phẩm đặc sắc nhất của Trần Văn Thủy phải kể đến Chuyện tử tế. Bộ phim này dự LHP Leipzig được giải Bồ Câu Bạc. Năm 1999, phim Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai được giải Phim ngắn hay nhất, Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43...

Tuy nhiên, sự hấp dẫn của tập sách có lẽ do Chuyện nghề của Thủy đã hé lộ những sóng gió, chông gai mà Trần Văn Thủy gặp trong suốt quá trình thực hiện và giới thiệu hai bộ phim nổi tiếng của ông: Hà Nội trong mắt aiChuyện tử tế. Thậm chí có lúc, “Bạn bè tình cờ gặp anh ngoài đường, vội nhảy xuống xe, mắt trước mắt sau mới dám hỏi: "Thủy sao mày còn ở đây? Mày chưa bị bắt à?". Nhưng rồi mọi việc cũng ổn cả.

Qua nhiều tư liệu trong sách, người đọc tiếp cận được những thước phim có lời bình “sát ván” mà nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét: “Có thể không ngần ngại mà nói rằng, anh là một nhà văn chính luận sâu sắc trong vai trò một đạo diễn, luôn trực diện với những vấn đề nóng hổi của nhân sinh”.

Ngọc Phương Nam, Jules Verne, Bảo Chân dịch, Nxb Hội Nhà văn & Nhã Nam, 06/2013

Ngọc Phương Nam xứng đáng được độc giả hâm mộ tác phẩm Jules Verne quan tâm nhiều hơn, vì tuy không nổi tiếng bằng Tám mươi ngày vòng quanh thế giới, Hai vạn dặm dưới đáy biển hay Năm tuần trên khinh khí cầu, nhưng Ngọc Phương Nam lại chứa đựng một số phương diện hiếm thấy ở ngòi bút nhà văn vĩ đại của dòng văn chương khoa học viễn tưởng.

Tác phẩm đưa ta vào thế giới kỳ bí, vừa hoang sơ vừa hùng tráng, vừa thô mộc vừa diễm lệ của những viên kim cương, đưa ta vào công việc lao động chân tay và cuộc sống chất phác, lao khổ của người thợ mỏ kim cương, cuộc sống ấy được đặt bên cạnh và tương phản mãnh liệt với tính chất phù phiếm tột cùng của thế giới đá quý. Lẽ dĩ nhiên, Jules Verne cũng đặt màu da đen của người Phi đối lập với những người da trắng chủ mỏ. Và trên tất cả, Ngọc Phương Nam cho ta thấy ngay cả người sáng lập dòng văn chương khoa học viễn tưởng hiển hách cũng không thể tránh có lúc bàn tới (và bàn rất hay) về tình yêu.

Phạm Quỳnh - Tuyển tập du ký, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm & biên soạn, Nxb Tri thức, 2013

Phạm Quỳnh - Tuyển tập du ký là công trình sưu tầm và biên soạn của Nguyễn Hữu Sơn. Cuốn sách dày hơn 500 trang này tuyển chọn những bài viết thuộc thể loại du ký đăng trên tạp chí Nam Phong trong suốt 17 năm tồn tại (1917- 1934). Sách gồm 7 tác phẩm được in theo trình tự đăng trên Nam Phong, là những bài viết hay về những nơi mà Phạm Quỳnh đi qua: Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ, Trảy chùa  Hương, Pháp du hành trình nhật ký, Thuật chuyện du lịch ở Paris, Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng, Du lịch xứ Lào.

Đọc Phạm Quỳnh - Tuyển tập du ký, độc giả như theo chân Phạm Quỳnh viễn du đồng thời được thưởng thức tinh hoa văn học du ký - thể loại thịnh hành đầu thế kỷ 20 và đang được ưu thích trở lại trong một vài năm gần đây.

Sách Hay tổng hợp