Ngày đăng : 30/03/2015

Tháng 3 - Sách hay nên đọc (tuần 3)


Thế giới cho đến ngày hôm qua, Jared Diamond, Hồ Trung dịch, Alphabooks & Nxb Thế Giới, 2015, 600 trang, 169.000 VNĐ


Tác giả của những cuốn sách bestseller: Sụp đổ; Súng, Vi trùng và Thép đã khảo sát lịch sử xã hội loài người để trả lời câu hỏi: Chúng ta có thể học được gì từ các xã hội truyền thống để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả?

Phần lớn chúng ta đều mặc nhiên thừa nhận các đặc trưng trong xã hội hiện đại của chúng ta, từ việc du lịch bằng máy bay, viễn thông cho tới việc biết đọc, biết viết và bệnh béo phì. Tuy nhiên gần như suốt sáu triệu năm tồn tại, xã hội loài người không có những điều này. Trong khi hố sâu ngăn cách chúng ta khỏi thủy tổ dường như rộng hơn bao giờ hết, chúng ta có thể nhìn ngắm lối sống cũ của mình trong những xã hội truyền thống mà phần lớn vẫn hoặc gần đây còn tồn tại.

Các xã hội như New Guninea nhắc nhở chúng ta rằng mọi thứ thay đổi mới chỉ là ngày hôm qua - thời điểm chúng ta tiến hóa - và rằng cơ thể và cách thức thực hành xã hội của người cận đại vẫn giúp họ có khả năng thích nghi tốt hơn với những điều kiện truyền thống hơn là hiện đại. Thế giới cho đến ngày hôm qua cung cấp một bức tranh trực diện đầy mê hoặc về quá khứ nhân loại tồn tại hàng triệu năm, một quá khứ hầu như đã biến mất và xem xét những khác biệt giữa quá khứ và hiện tại cho cuộc sống hôm nay của chúng ta.

Đời tôi, Marcel Reich – Ranicki, Lê Chu Cầu dịch, Nhã Nam & Nxb Thế Giới, 2014, 404 trang, 130.000 VNĐ


Ông là ai, con người nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trên văn đàn, mà cuộc đời mang ý nghĩa lịch sử này? Không phải một chính trị gia, không phải một ngôi sao ca nhạc, ông là MARCEL REICH-RANICKI - NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC ĐỨC – một trong những người ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU NHẤT, ĐỘC ĐÁO NHẤT, KHÔNG KHOAN NHƯỢNG NHẤT, ĐỒNG THỜI BỊ ĐỒNG NGHIỆP… E SỢ NHẤT.

Là một cuốn sách hiếm có trong nền văn học châu Âu, tự truyện của Marcel Reich-Ranicki mang giá trị kép: sự thật xác tín về các biến cố lịch sử quan trọng nửa đầu thế kỷ 20, ghi dấu những đau thương khủng khiếp đã khiến khoảng 6 triệu người gốc Do Thái ở châu Âu  phải bỏ mình trong các trại tập trung thời Thế chiến II; đồng thời là một hướng dẫn quan trọng để độc giả tiếp cận văn hóa Đức đương đại, khắc họa chân dung nhiều nhân vật mang tầm ảnh hưởng lớn, như Günter Grass và Heinrich Böll; và còn nữa, là những nốt nhạc riêng tư của Reich Ranicki, với mối tình của ông, giọng kể của riêng ông dành cho đời mình, người từng được mệnh danh “Giáo hoàng Văn học Đức.” 

Lội ngược dòng, Richard Maun, Trịnh Hoàng Kim Phượng, 2014, 264 trang, 90.000 VNĐ


Lội ngược dòng được ra đời để giúp mọi người trong bối cảnh thế giới việc làm bỗng dưng thay đổi theo chiều hướng xấu, và chúng ta phải tự hỏi điều gì đã xảy ra, tiếp theo cần phải làm gì. Đây là cuốn sách giúp chúng ta đối mặt với thảm họa, sau đó khai mở một đường hướng mới.

Lội ngược dòng dựa trên những trải nghiệm đời thực, những phương pháp thực tế và tư duy mạch lạc. Quyển sách chứa đầy các mẹo và công cụ hữu ích, được thiết kế để giúp chúng ta tư duy, hành động tích cực, để từ đó chúng ta có thể phát triển. Tất cả các câu chuyện được kể đều bắt nguồn từ người thật. Danh tính của họ được giấu đi, nhưng họ là những người thực việc thực.

Quyển sách này nói về phát triển. Vì khi trải qua một thất bại, chúng ta rất dễ rơi vào cái khung tồn tại an toàn - quẩn quanh trong cái vỏ của mình, và mắc kẹt với việc suy nghĩ những điều lớn lao mà không thể biến chúng thành hiện thực. Đây là hành vi liên quan đến stress thường thấy. Lâm vào trạng thái này vài ngày hoặc vài tuần là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu điều này diễn tiến quá lâu và chúng ta bắt đầu quá lậm vào lề lối này, thì sẽ gặp rủi ro mắc kẹt trong hố cát lún - nơi chứa đầy buồn phiền và vô ích. Đây là một thói quen xấu và quyển sách này ra đời để khiến chúng ta phát triển những thói quen mới hữu ích.

Sài Gòn xưa - Màu hoài niệm, Trọng Lee, Phương Nam & Nxb Văn Hóa - Văn Nghệ, 2015, 96 trang, 450.000 VNĐ


Lãng mạn, dịu dàng, hào hoa, tinh tế, đẹp như một giấc mơ, đầy ắp nhạc và thơ… là những gì người đọc, người xem cảm nhận khi chạm tay vào cuốn sách “Sài Gòn xưa - Màu hoài niệm” của Trọng Lee (tên thật Lê Hưng Trọng). Cầm cuốn sách lên, lật mở, bạn đã bước qua một cánh cửa khác, trở về một Sài Gòn rất xưa đầy cổ tích.

Trọng Lee, một kiến trúc sư trẻ gốc Ninh Thuận, đang học và làm việc tại Sài Gòn. May mắn vì có khả năng diễn đạt cảm xúc bằng ngôn ngữ của hội họa, anh làm nên cuốn sách tranh “Sài Gòn xưa - Màu hoài niệm” trong bộ “Sài Gòn xưa”. Trong đó bao gồm những bức tranh đẹp về thành phố Sài Gòn mà anh yêu thương và gắn bó.

Từ những bức tranh theo phong cách art-line (vẽ nét), ta thấy được những hình ảnh quen thuộc của thành phố Sài Gòn đã được cách điệu: nhà thờ Đức bà, bưu điện thành phố, chợ Tân Định, chùa Ông ở Chợ Lớn, thương xá Tax…Những dấu tích về sự phồn hoa của thành phố từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” được vẽ lại thêm vào một ít chất “thần tiên” với chất liệu màu nước.